Vấn đề sức khỏe cộng đồng
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2016, 39% người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên trên thế giới bị thừa cân; và có 11% nam giới & 15% nữ giới bị béo phì. Gần 2 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu bị thừa cân, và hơn 650 triệu người trong số đó bị béo phì.
Tình trạng thừa cân và béo phì ở người trưởng thành gia tăng đáng báo động trong bốn thập niên qua. Tương tự như vậy, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên (độ tuổi từ 5-19) đã tăng chóng mặt, từ 4% vào năm 1975 lên 18% trong năm 2016.
WHO xem tình trạng thừa cân ở trẻ nhỏ là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21, bởi tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ nhỏ có xu hướng duy trì khi chúng trưởng thành và có nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm (NCDs), như tiểu đường và các bệnh tim mạch ở độ tuổi còn trẻ.
Đường là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe
Theo nhiều bằng chứng khoa học thuyết phục, cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng thừa cân và béo phì. WHO khẳng định “mối quan ngại ngày càng lớn đối với việc tiêu thụ đường tự do, đặc biệt trong các loại đồ uống ngọt, vì làm tăng năng lượng nạp vào cơ thể và có thể làm giảm khả năng hấp thu các thực phẩm tốt, dẫn đến một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, gây tăng cân và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm NCDs [1].
Ăn uống lành mạnh và duy trì lối sống năng vận động
Tất cả mọi người nên tham gia các hoạt động thể chất và thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh. Duy trì lối sống khỏe mạnh rất có ích và vô cùng quan trọng nếu bạn đang gặp phải vấn đề thừa cân và béo phì. Đặc biệt, bạn cần giảm tiêu thụ đường bổ sung từ đồ ăn và thức uống. Đối với việc cấp nước hàng ngày, nước uống là lựa chọn thích hợp vì không nạp calo vào cơ thể.Nghiên cứu đối với những người trưởng thành thừa cân đang theo chế độ ăn kiêng cho thấy, việc uống nước giúp họ giảm cân. Kết hợp với hoạt động thể chất, uống nước còn giúp gia tăng quá trình ô xy hóa mỡ (cơ thể sử dụng lượng mỡ tích trữ để sản sinh năng lượng). Hơn nữa, các nghiên cứu với đối tượng học sinh cho thấy, những em luôn ưu tiên sử dụng nước uống như nguồn cấp nước chính cho cơ thể đã duy trì được cân nặng ổn định.
Theo quan điểm của chúng tôi, đối với từng cá nhân và gia đình ở tất cả mọi nơi trên thế giới, nên luôn sẵn có nước uống, như nước đóng chai, nước máy, nước lọc, nhằm giúp giải quyết vấn đề thừa cân và béo phì.
Chỉ số thừa cân và béo phì
Trên khắp thế giới, nhẹ cân, thừa cân và béo phì ở người trưởng thành được phân loại dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI). Đây là chỉ số giữa chiều cao và cân nặng, được xác định bởi trọng lượng theo đơn vị kilogram chia cho bình phương chiều cao theo đơn vị mét (kg/m2).
Ví dụ, một người trưởng thành nặng 70kg và chiều cao của người đó là 1,75m sẽ có chỉ số BMI là 22,9. Những người có chỉ số BMI ≥ 25 kg/m2 được xem là thừa cân. Còn chỉ số BMI ≥30 kg/m2 là bị béo phì.